Email: tri.lm@baobiphuckhang.com

0938004188 ( Mr Trí ) - 0913729758 ( Mr Luật )

Close

Về nhựa PVC

Về nhựa PVC

Lịch sử và tính chất của PVC

Polyvinylclorua (poly(vinyl chloride) viết tắt là PVC) là một loại nhựa nhiệt dẻo được tạo thành từ phản ứng trùng hợp vinylclorua (CH2=CHCl).

Lịch sử của PVC

Polyvinyl clorua (PVC) là một trong những vật liệu được tổng hợp nhân tạo sớm nhất và có lịch sử dài nhất trong sản xuất công nghiệp. Năm 1835 lần đầu tiên Henri Regnault đã tổng hợp được vinylclorua (VC), nguyên liệu chính để tạo nên PVC. Polyvinyl clorua được quan sát thấy lần đầu tiên vào năm 1872 bởi Baumann khi phơi ống nghiệm chứa vinylclorua dưới ánh sáng mặt trời, sản phẩm tạo ra có dạng bột màu trắng và bản chất hóa học của nó chưa được xác định. Bốn mươi năm sau, năm 1912 là năm PVC được công nhận là do Iwan Ostromislensky (Nga) tìm ra, thực tế cùng năm đó Fritz Klatte (Đức) đã công bố một quy trình sản xuất PVC [4]. Tuy nhiên, polyme mới này vẫn không được ứng dụng và không được chú ý quan tâm nhiều, bởi tính kém ổn định, cứng và rất khó gia công. Năm 1926, khi tiến sĩ Waldo Semon tìm ra phương pháp dẻo hóa PVC, đây mới là một bước đột phá đầu tiên để khắc phục nhược điểm khi gia công cho PVC. Sau đó lần lượt là các nghiên cứu và sáng chế về chất ổn định cho PVC được công bố. Đến năm 1933, nhiều dạng PVC đã được tổng hợp ở Mỹ và Đức nhưng phải đến năm 1937, PVC mới được sản xuất trên quy mô công nghiệp hoàn chỉnh tại Đức và sau đó là ở Mỹ [5].

Tính chất vật lý

PVC có dạng bột màu trắng hoặc màu vàng nhạt. PVC tồn tại ở hai dạng là huyền phù (PVC.S – PVC Suspension) và nhũ tương (PVC.E – PVC Emulsion). PVC.S có kích thước hạt lớn từ 20 – 150 micron. PVC.E nhũ tương có độ mịn cao.

PVC không độc, nó chỉ độc bởi phụ gia, monome VC còn dư, và khi gia công chế tạo sản phẩm do sự tách thoát HCl. PVC chịu va đập kém. Để tăng cường tính va đập cho PVC thường dùng chủ yếu các chất sau: MBSABSCPEEVA với tỉ lệ từ 5 – 15%. PVC là loại vật liệu cách điện tốt, các vật liệu cách điện từ PVC thường sử dụng thêm các chất hóa dẻo tạo cho PVC này có tính mềm dẻo cao hơn, dai và dễ gia công hơn, chất lượng khi gia công tốt hơn, dễ sử dụng hơn.

Tỉ trọng của PVC vào khoảng từ 1,25 đến 1,46 g/cm3 (nhựa chìm trong nước), cao hơn so với một số loại nhựa khác như PE, PP, EVA (nhựa nổi trong nước)…